Nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, chùa Hương là một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, đặc biệt là những dịp đầu Xuân năm mới, lễ chùa du xuân luôn là một hoạt động được ưa chuộng và một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần người Việt.
Hành trình du lịch chùa Hương giá rẻ không chỉ là hành trình về đất Phật, mà còn là dịp để thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên trù phú. Xin chia sẻ tới độc giả một số kinh nghiệm hữu ích cho chuyến du lịch lễ hội chùa Hương 2015.
1. Đường đi đến chùa Hương
Bạn có thể chọn đi ô tô, xe máy hoặc sinh viên có thể đi Chùa Hương bằng xe buýt. Có 2 con đường có thể đi từ Hà Nội.
Thứ nhất, theo hướng Nguyễn Trãi – Hà Đông, rẽ trái ở ngã ba Ba La đi Vân Đình. Sau đó đi tiếp khoảng 40km đến Tế Tiêu rẽ trái và hỏi đường đi chùa Hương.
Hai là theo hướng quốc lộ 1A Pháp Vân – Cầu Rẽ, rẽ phải ở nút giao Đồng Văn vào quốc lộ 38, chạy tiếp tầm 15km theo hướng chợ Dầu là đến chùa Hương. Tuy nhiên, đường này chỉ dành cho ô tô, nếu bạn đi xe máy thì nên chọn cách thứ nhất hoặc đi theo quốc lộ 1A cũ hướng đi Thanh Trì.
Ngoài ra bạn cũng có thể chọn xe bus làm phương tiện di chuyển đến chùa Hương.
2. Nên đi Chùa Hương vào thời gian nào
Khoảng thời gian từ tháng 1 đến hết tháng 3 âm lịch là thời gian diễn ra lễ hội chùa Hương, đỉnh cao là từ rằm tháng giêng đến 18 tháng hai âm lịch. Vào dịp này bạn sẽ có cơ hội tham dự và hòa mình vào không khí tưng bừng cùng những hoạt động sinh hoạt văn hóa của lễ hội.
3. Đi chùa Hương mất bao lâu
Để đi được hết các đền chùa ở đây, bạn phải mất tới 2 ngày mới có thể khám phá hết. Nếu đi trong ngày bạn nên thăm đền Trình, chùa Thiên Trù, và động Hương Tích. Đây là những ngôi chùa chính và linh thiêng nhất. Bạn có thể leo núi hoặc với hệ thống cáp treo hiện đại sẽ giúp bạn di chuyển nhanh chóng hơn.
4. Các điểm tham quan ở Chùa Hương
Chùa Hương là một quần thể kiến trúc rải rác trong thung lũng Suối Yến, có 4 tuyến hành hương:
- Tuyến Hương Tích: Đền Trình – Chùa Thiên Trù – Động Tiên Sơn – Chùa Giải Oan – Đền Trần Song – Động Hương Tích – Chùa Hinh Bồng.
- Tuyến Thanh Sơn: Chùa Thanh Sơn – Động Hương Đài. Dulichgo
- Tuyến Long Vân: Chùa Long Vân – Động Long Vân – Hang Sũng Sàm.
- Tuyến Tuyết Sơn: Chùa Bảo Đài – Động Chùa Cá – Động Tuyết Sơn.
5. Giá vé thắng cảnh Chùa Hương
Giá vé chung là 85.000đ/vé/lượt khách. Trong đó, giá vé thăm quan là: 50.000đ/vé/lượt (người); giá vé đò chất lượng cao là 40.000 đồng/vé/lượt; đò thường là 35.000đ/vé/lượt (áp dụng cho tuyến Hương Tích).
Đối với người lớn từ 60 tuổi trở lên thì mức giá vé thăm quan được ưu đãi giảm 50% chỉ còn 25.000đ/vé/lượt cho 1 hành khách (khi mua vé cần xuất trình CMND hoặc thẻ hội viên Hội người cao tuổi).
Trẻ em dưới 10 tuổi được miễn vé thăm quan, trẻ em trên 10 tuổi được giảm 50% (25.000đ/vé/lượt), trẻ em cao 1,2m trở lên mức phí thăm quan tính như người lớn.
Du khách có nhu cầu thăm quan thêm các tuyến khác như Long Vân, Tuyết Sơn thì chỉ phải chi trả thêm mức phí đò thuyền là 25.000đ/vé/lượt cho 01 khách.
Giá vé cáp treo chùa Hương áp dụng cho lễ hội năm 2015 cũng không thay đổi so với năm 2014. Cụ thể, giá vé cáp treo dành cho người lớn và trẻ em khứ hồi lần lượt là 140.000đ/vé và 90.000đ/vé; một chiều lần lượt là là 90.000đ/vé và 60.000đ/vé. Trong đó, trẻ em cao 1,1m trở xuống được áp dụng mức giá dành cho trẻ em, cao trên 1,1m mức giá vé tính như người lớn.
6. Kinh nghiệm khi đi đò
Có rất nhiều cò đò bám theo mời chào bắt khách ở khu vực chùa thậm chí cách xa chùa 20km, bạn không nên đi theo cò đò vì giá vé sẽ bị chặt chém rất cao, hãy mua vé ở cổng hội, hoặc trực tiếp vào khu vực Suối Yến liên hệ với các nhà đò quanh bến.
Vào dịp lễ hội đông đúc, các nhà đò thường nhồi nhét thêm khách lên đò, để tránh bị tăng tiền, cũng như nhét thêm người, bạn nên thỏa thuận rõ ràng số tiền cũng như số lượng khách tối đa ngồi đò.
Đặc biệt, bạn phải chú ý an toàn khi ngồi đò.
7. Ăn uống tại Chùa Hương
Dọc đường từ bến đò cho đến động Thiên Trù có rất nhiều nhà hàng phục vụ với thực đơn khá hợp lý cho bạn lựa chọn, tuy nhiên hãy khảo giá trước để tránh bị chặt chém nếu vào mùa lễ hội và lựa chọn nhà hàng hợp lý nhất.
8. Chuẩn bị đồ lễ khi đi chùa Hương
Khi đi lễ chùa Hương, đồ cúng lễ nên gọn gàng và bạn nên chuẩn bị sẵn từ nhà mang đi để tiết kiệm thời gian và chi phí. Dulichgo
9. Những lưu ý khi mua sắm
Có rất nhiều đồ lưu niệm và đặc sản bạn có thể mua về làm quà cho bạn bè khi đi chùa Hương như vòng tay, vòng cổ, gương lược, chè củ mài, mơ quả, rau sắng... nhưng không phải mặt hàng nào được bày bán cũng là hàng có chất lượng tốt, khi mua hãy hỏi giá cả cụ thể, kiểm tra đúng tên sản phẩm, số lượng, chất lượng đặc biệt trong mùa lễ hội, bạn hãy hết sức chú ý khi quyết định mua hàng.
Dọc đường lên động Hương Tích cũng có rất nhiều hàng bán thuốc nam chữa bách bệnh, tuy nhiên các bài thuốc này thường không rõ nguồn gốc vậy nên hãy cẩn trọng.
10. Kinh nghiệm khác khi du lịch chùa Hương
Đến du lịch chùa Hương, bạn sẽ sử dụng rất nhiều đồ ăn thức uống, hãy vứt rác đúng nơi quy định và giữ gìn vệ sinh chung để bảo vệ môi trường khu du lịch sạch sẽ.
Vào mùa lễ hội thường rất đông đúc nên bạn hãy bảo quản hàng lý tư trang cẩn thận, tránh bị kẻ gian thừa dịp cao điểm móc túi, đánh cắp đồ của bạn.
Trang phục đứng đắn, lịch sự, không nên có những cử chỉ khiếm nhã cười đùa to tiếng gây mất trật tự trong chùa. Vì sẽ di chuyển nhiều nên bạn hãy chuẩn bị những đôi giày thể thao thay vì giầy cao gót để bảo vệ đôi chân của mình.
Lưu ý khi đi chùa đầu năm
Người đi lễ cần phải biết những quy định căn bản của nhà chùa để tuân thủ theo trong việc sửa soạn lễ vật đi chùa.
Trang phục
Khi vào chùa cần mặc quần áo dài, kín cổ, đi khẽ. Tránh mặc áo ngắn tay, áo sát nách, áo may ô, quần short, váy ngắn… Đối với Phật tử thì phải mặc áo lễ khi đến điện thờ Phật trong chùa. Dulichgo
Chuẩn bị lễ vật
Khi đến dâng hương ở các chùa nên sắm các lễ chay như: hương, hoa tươi, quả chín, oản, xôi, chè… Nếu đặt lễ mặn như cỗ tam sinh (trâu, dê, lợn), thịt gà, giò, chả... cần lưu ý không đặt lễ mặn ở khu vực Phật điện tức là chính điện, tức là nơi thờ tự chính của ngôi chùa. Trên hương án của chính điện chỉ được dâng đặt lễ chay, tịnh. Việc sắm sửa lễ mặn chỉ có thể được chấp nhận nếu như trong khu vực chùa có thờ tự các vị Đức Ông, Thánh, Mẫu và chỉ dâng đặt tại ban thờ hay điện thờ mà thôi.
Không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật tại chùa. Nếu có sửa lễ này thì đặt ở bàn thờ thần linh, Thánh Mẫu hay ở bàn thờ Đức Ông. Tiền thật cũng không nên đặt lên hương án của chính điện mà nên bỏ vào hòm công đức. Lễ mặn chỉ có thể sắm sửa nếu trong chùa có thờ các vị Thánh, và có ban thờ Mẫu và chỉ dâng tại các ban này thôi. Tuyệt đối không được dâng trên ban thờ Phật, Chư Bồ tát và Thánh Hiền. Hoa tươi lễ Phật là hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu… không dùng các loại hoa tạp, hoa dại.
Cầu nguyện
Cầu nguyện Theo quan niệm của nhà Phật, Phật chỉ phù hộ an bình, che chở cho con Phật chứ không thể phù hộ đường công, danh, tài, lộc. Vì vậy, khi chúng ta làm lễ cầu tới cửa Phật nên xin được Phật che chở, bảo vệ. Vào đình, đền bạn có thể cầu xin may mắn trong sự nghiệp, tình cảm….
Nguyên tắc ra, vào
Khi đi qua cổng Tam quan vào chùa nên đi vào cửa Giả quan (bên phải) và đi ra bằng cửa Không quan (bên trái). Cửa Trung quan chỉ dành cho Thiên tử, bậc cao tăng, bậc khoa bảng đi vào chùa và đi ra cũng theo cửa này. Sau đó, du khách có thể gặp sư trụ trì, sở dĩ là vì Chùa do sư trụ trì cai quản, có sư, tăng ni, chùa mới được giữ gìn và Đạo Phật mới được truyền lưu nên khi vào chùa phải theo lệ. Dulichgo
Năm bước hành lễ khi đi chùa
1. Đặt lễ vật: thắp hương và làm lễ ở ban thờ Đức Ông trước.
2. Sau khi đặt lễ ở ban Đức Ông xong, đặt lễ lên hương án của chính điện, thắp đèn nhang.
3. Sau khi đặt lễ chính điện xong thì đi thắp hương ở tất cả các ban thờ khác của nhà Bái đường. Khi thắp hương lên đều có 3 lễ hay 5 lễ. Nếu chùa nào có điện thờ Mẫu, Tứ phủ thì đến đó đặt lễ, dâng hương cầu theo ý nguyện.
4. Cuối cùng thì lễ ở nhà thờ Tổ (nhà Hậu).
5. Cuối buổi lễ, sau khi đã lễ tạ để hạ lễ thì nên đến nhà trai giới hay phòng tiếp khách để thăm hỏi các vị sư, tăng trụ trì và có thể tùy tâm công đức.
Đề phòng những trường hợp xấu
Trong dịp lễ hội có rất nhiều người đến chùa để cầu may, tuy nhiên bên cạnh đó cũng là những kẻ xấu trà trộn vào đám đông, có những hành vi không đẹp như móc túi, ăn cắp, chính vì thế khi đi lễ chùa không nên mang quá nhiều tiền mặt trong người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét